Taekwondo đã được thừa nhận là một công cụ hữu hiệu giúp
Nam Triều Tiên có thể gia tăng uy tín trên thế giới.
Nhiều người cho rằng Taekwondo làm được điều mà những
nhà ngoại giao tài ba nhất của Nam Triều Tiên đã không
thực hiện được, đó là làm cho người phương Tây phải nể
trọng lá cờ quốc gia Nam Triều Tiên, Hơn nữa, Taekwondo
còn là một môn thể thao quốc gia giữ vị trí quan trọng
trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc trong tình hình văn
hóa phương Tây đang bành trướng khắp nơi.
Lý do: Taekwondo - một môn võ thuật thuần túy - được gán
cho những trọng trách nặng nề như vậy bởi vì hình ảnh
của môn võ này ngày càng tỏa rộng trên thế giới. Lý do
quan trọng hơn, Taekwondo đã được phổ biến như một sản
phẩm độc nhất vô nhị của nền văn hóa Nam Triều Tiên, nó
đã liên tục tồn tại trong lịch sử Nam Triều Tiên từ năm
57 trước Công nguyên đến năm 688 sau Công nguyên.
Ở Nam Triều Tiên, tầm quan trọng của Taekwondo nằm ở
chính lịch sử của nó, cũng dễ hiểu thôi bởi vì chính
lịch sử đã tạo cho Taekwondo có một họ tộc rõ ràng ở đất
nước này. Điều này rất quan trọng vì nó làm cho bộ môn
này có tính hợp pháp cũng như một truyền thống phong phú
từ những huyền thoại xa xưa. Taekwondo không những rất
lôi cuốn người nước ngoài mà còn là niềm tự hào quốc gia
của người Nam Triều Tiên, một dân tộc khao khát có một
biểu tượng văn hóa được nhận biết rộng rãi trên thế giới.
Không may, việc nhấn mạnh quá mức sự ra đời, việc khẳng
định nguồn gốc và sự phát triển dầy uy tín của Taekwondo
đã thực sự là một trở ngại của môn thể thao này. Có ý
kiến khẳng định Taekwondo đã đạt đến mục tiêu trong việc
giành lấy sự thừa nhận của thế giới vì bộ môn này sẽ
chính thức có mặt trong Thế vận hội năm 2000 diễn ra ở
Sydney, Úc. Nhưng trong khi mọi người đang thán phục sự
phát triển không thể tin được của Taekwondo trong vòng
35 năm qua dưới hình thức là một môn thể thao, việc đi
tìm triết lý về bản sắc và sự phát triển tương lai của
bộ môn này đang là vấn đề nan giải.
Nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở chỗ nguồn gốc của
Taekwondo. Sự kiện Taekwondo đầu tiên được đưa vào Nam
Triều Tiên với hình thức Karate sau khi Nam Triều Tiên
thoát khỏi sự đô hội của Nhật, đã dẫn đến những vấn đề
nghiêm trọng trong phương cách Taekwondo phát triển
trong nước và lan truyền ra nước ngoài.
Sự phát triển có thể phát thảo ra như sau: Karate Nhật (lúc
đó gọi là Kong soo do hay Tang soo do theo tiếng Nam
Triều Tiên) được giới thiệu vào nước này chỉ sau cuộc
giải phóng năm 1945. Những người Nam Triều Tiên đã học
Karate ở Nhật trở về nước và mở phòng tập Karate. Sau
khi phòng tập này đã được thành lập thì nhu cầu đòi Nam
Triều Tiên hóa những gì đã được dạy bắt đầu manh nha.
Tiến trình Nam Triều Tiên hóa phải vượt qua 3 thử thách:
Thứ nhất là lựa chọn một tên mới, khác hẳn với tên của
Nhật. Thứ hai là tạo ra một hệ thống kỹ thuật và đào tạo
khác biệt với Karate và thứ ba là thiết lập được sự tồn
tại của Taekwondo và phát triển nó trong dòng chảy lịch
sử của nền văn hóa Nam Triều Tiên. Sự phát triển của hệ
thống mới về kỹ thuật và đào tạo có nhằm đến việc thoát
khỏi bản chất của Karate là một môn võ thuật tự vệ và
thiên về bản chất của một môn thể thao thi đấu.
Trong cố gắng thoát khỏi dấu vết Karate Nhật thông qua
việc tạo nên hệ thống kỹ thuật mới dựa vào việc thi đấu,
Taekwondo đã đặt chính nó vào tình thế tiến thoái lưỡng
nan. Điều nan giải này xuất phát từ việc khẳng định
Taekwondo có nguồn gốc từ võ thuật truyền thống như Su
bak hi (cũng đánh vần là Su bahk) và Taekyon. Do những
người tiên phong không sẵn lòng thừa nhận nguồn gốc Nhật
Bản của môn võ thuật này và thế là việc nỗ lực thoát
khỏi dấu tích Karate Nhật Bản càng trở nên khó khăn vì
truyền thống thì phải duy trì mà không được sửa đổi.
Điều này đã phí phạm năng lực của những người tâm huyết
với Taekwondo trong việc phát triển một triết lý tương
hợp cho môn thể thao mới. Tuy Taekwondo được chấp nhận ở
Đại hội thể thao quốc gia Nam Triều Tiên năm 1963 và
được khuyến khích khắp Nam Triều Tiên như một môn võ
thuật khác hẳn với Karate nhưng không thể xóa đi kỹ
thuật, phương pháp đào tạo và quan trọng hơn, những khái
niệm triết lý Nhật Bản đã góp phần hình thành nên nền
tảng cho Taekwondo bởi vì những người đầu đàn trong bộ
môn này vẫn còn đang dựa vào nhiều nền tảng của những kỹ
thuật và triết lý mang đậm dấu ấn Nhật Bản.
Kết quả là việc thiếu đầu tư vào nền tảng triết lý cho
Taekwondo ở thập niên 60 và sự phụ thuộc vào những khái
niệm và triết lý Nhật Bản phù hợp với môn võ thuật tự vệ
hơn là thể thao võ thuật, đã làm cho Taekwondo có hai
bản sắc. Một bản sắc là tính thi đấu thể thao - một bản
sắc duy nhất tồn tại hôm nay ở Nam Triều Tiên khiến cho
Taekwondo khác biệt với Karate. Bản sắc kia được gọi là
võ thuật, mà thật mỉa mai, lại được liên hệ đến
“Taekwondo truyền thống” vốn mang nặng dấu ấn nền tảng
Karate.
Năm 1976, Bộ Giáo dục Nam Triều Tiên đã xuất bản một
quyển sách như một ví dụ điển hình về lịch sử môn võ
thuật này. Cuốn sách mở đầu nói về nhu cầu và nguồn gốc
của những kỹ thuật chiến đấu thời kỳ tiền sử ở Nam Triều
Tiên. Kế đó quyển sách kể về những người hiếu chiến Son
bea dưới triền đại Koguryo (37 BC - A.668), những tên
xâm lược hwarang dưới triều Silla (57 trước Công nguyên
đến 668 sau công nguyên) và việc luyện tập Taekwondo, mà
quyển sách nói rằng lúc đó gọi là Su bak hay Taekyon. Kế
đến là 5 trang đề cập đến việc luyện tập Su bak hi trong
suốt thời kỳ Koryo (935-1392), và cũng có 5 trang nói về
luyện tập Taekyon dưới thời Chosun. Và cuối cùng chỉ có
2 câu nói về vận may của Taekwondo từ cuối thế kỷ 19 cho
đến cuộc giải phóng Nam Triều Tiên năm 1945.
Tuy nhiên, viết như vậy là bất hợp lý. Người ta đã nỗ
lực cố gắng chứng minh một vài kiểu đánh nhau không sử
dụng vũ khí đã tồn tại ở Nam Triều Tiên trong suốt thời
kỳ có rất ít hay hầu như không có tư liệu lịch sử trong
khi không ai chú ý đến Taekwondo trong suốt thời kỳ nó
xuất hiện dưới một hình thức mới mà điều này lại có nhân
chứng lịch sử nhiều hơn.
Bài viết này sẽ không đi sâu vào thời kỳ trước triều đại
Chosun nhưng sẽ có một vài bình luận về bản chất của Su
bak trong suốt thời gian đó. Để đi đến khẳng định
Taekwondo là con đẻ của Taekyon đang còn là vấn đề tranh
cãi. Vì thế bản chất và vị thế của Taekwondo từ cuối
thời Chosun cho đến thời kỳ những phòng tập Karate bắt
đầu xuất hiện ở Nam Triều Tiên vào khoảng năm 1946 là
thật sự quan trọng.
Hwang Kee và Choi Hong-hi, hai đại sư nổi bật của thời
kỳ đó, đều tuyên bố đã tập Taekyon và sau đó kết hợp
cước pháp, quyền pháp và phương pháp huấn luyện Karate
Nhật. Tuy nhiên, hầu hết những nhà viết sử về Taekwondo
sẽ không thừa nhận bất kỳ mối liên hệ nào với Karate.
Hwang sử dụng mối quan hệ này với Taekyon để giải thích
việc đặt nặng cước pháp và vị thế của Taekyon rất quan
trọng khi mà Taekwondo được xem như đã bị ảnh hưởng bởi
Taekyon.
Tham khảo Subak, môn võ được tuyên bố là thế hệ trước
của Taekyon, viết trong cuốn Lịch sử của triều đại
Koryo, khoảng năm 1147. Xem xét tiếp đến triều đại
Chosun vào đầu năm 1343 khi ấy Subak được xem như một
môn thể thao chứ không phải là môn võ thuật. Tham khảo
về Taekyon từ quyển sách Je Mul Bo, do Lee Seong-Ji viết
cho biết trong suốt thời kỳ trị vì của King Chong Jo,
Subak được xem như là Taekyon. Vào giữa những năm 1880
một họa sĩ thuộc hoàng gia tên là Hyesan Yusuk thực hiện
một bức bích họa mang tên “Daekwae Do” trong đó Taekyon
và Ssium (môn đô vật Nam Triều Tiên) được mô tả như trò
chơi dân gian.
Năm 1921, lúc tuổi đã 70, Choi Young-yon mô tả Taekyon
trong quyển Hae Dong Juk Ji, như một trò chơi trong đó
hai đối thủ tấn công và cố gắng dùng chân hạ gục đối
phương. Ông viết: “Trò này trở thành một phương tiện trả
thù trong việc tranh giành gái làng chơi thông qua cá
độ. Vì thế, trò chơi bị cấm và đã không còn tồn tại”.
Theo Choi Yong-yon và Song Duk-ki, người luyện tập cuối
cùng Chosun Taekyon, môn võ này đã mất đi phần lớn bản
sắc dân tộc chỉ sau một thời gian ngắn khi bước qua thế
kỷ mới. Choi nói rằng cờ bạc và những thứ tiêu khiển
khác không lành mạnh đã làm cho môn nghệ thuật này bị
ngăn cấm. Những người lớn tuổi trong làng thường xua
đuổi những thanh niên mà họ bắt gặp đang chơi môn này.
Thế là Taekyon nhanh chóng bị diệt vong.
Về sau, Taekyon được liệt kê trong quyển sách mang tựa
đề là “Những trò chơi Nam Triều Tiên”, viết năm 1895 của
học giả người Mỹ Stuart Culin. Ông mô tả Taekyon như một
môn chơi mà trong đó mục tiêu là đá vào chân đối phương
và vật đối phương xuống đất. Ông nói rằng trò chơi này
cũng được chơi ở Nhật.
Thêm một chứng cớ cho việc mất tích hoàn toàn Taekyon là
vào năm 1958, khi ông Song Duk-ki được mời biểu diễn cho
tổng thống Syngman Rhee xem trong ngày sinh nhật. Mặc dù
tìm kiếm khắp nơi, Song Duk-ki không thể tìm ra một
người để diễn chung - trong khi hàng trăm lớp võ nhan
nhản khắp đất nước.
Song Duk-ki cũng nói rằng Taekyon được xem như là một
trò chơi và đã tồn tại hầu như độc nhất ở Seoul và được
chơi thường xuyên ở nhiều khu vực ở Seoul. Có những điểm
quan trọng trong việc tranh cãi rằng Taekwondo xuất phát
từ kyon đặc biệt khi Choi Hong-hi, người tuyên bố kết
hợp kỹ thuật Taekyon và Karate, nói rằng ông đã học
Taekyon từ ông thầy dạy chữ tên là Han Il-dong trong
vùng Hamkyong-dong, mà bây giờ gọi là Bắc Triều Tiên.
Điều đã làm cho sự xác nhận này bị nghi ngờ là: vào lúc
ông tuyên bố đang học Taekyon - khoảng năm 1936 - môn võ
này đã biến khỏi Seoul, chứ đừng nói đến Hamkyong-dong.
Choi tốt nghiệp đại học Luật ở Nhật Bản năm 1943, thừa
nhận có đai đen nhị đẳng khi còn ở Nhật và nói rằng lúc
trở về Nam Triều Tiên, ông kết hợp những gì đã học được
với kỹ thuật Taekyon dể tạo ra môn Taekwondo. Tuy vậy,
Choi không phải là người duy nhất trong số những người
mở lớp võ thuật ở Nam Triều Tiên. Ông không phải là một
trong những người thành lập trường đầu tiên: Chung do
kwon thành lập bởi Lee Won Kuk; Moo duk khan được thành
lập bởi Sang seop; The Kwon beo dojang được thành lập
bởi Yun Byung-in và Song Moo Kwan được thành lập bởi No
Byong-jik.
Tất cả 5 người này đều học Karate ở Nhật, và tất cả 5
trường, ngoại trừ Kwon Beo Dojang đều dùng tên “Karate”
(cũng là Kong So do hay Tae Soo Do). Năm 1953, chính
Choi sau đó trở thành đại diện cho Chung do kwan, mà vẫn
còn sử dụng cái tên “Tang soo do” (Đường Thủ đạo). Về
sau, Choi đã đề nghị đặt tên “Taekwondo” mà ông chọn vì
phát âm tương tự với Taekyon. Tên được đề nghị tại buổi
họp mặt những nhà doanh nghiệp nổi tiếng, quân nhân xuất
sắc, và các võ sư vào năm 1955. Tuy nhiên, phải mất 11
năm sau tên này mới được chính thức chấp nhận. Đó là lúc
Hội Tae Soo Do Nam Triều Tiên đổi tên thành Hội
Taekwondo Nam Triều Tiên.
Điều quan trọng hơn cả là hình thức và phương pháp đào
tạo cũng là của Nhật Bản. Không có cái gì giống Taekyon.
Đối với những bậc thầy từ buổi sơ khai, điều này không
thành vấn đề. Động lực quốc gia và chính trị để phô bày
Taekwondo như một môn sáng tạo của riêng Nam Triều Tiên
không được người ta cảm nhận cho đến tận sau này - sau
khi những áp lực nặng nề do chiến tranh Nam Triều Tiên
(1950-1953) gây ra bắt đầu phai mờ.
Lê Cường
Trịnh Xuân Khanh dịch, theo tạp chí Black Belt,
đăng trên Sổ tay Võ thuật số 62, tháng 6 năm 1999.
|